Dùng đèn khẩn cấp khi đi thẳng có sai không?


Giữa thanh thiên bạch nhật, tầm nhìn xa trên 10 km, các phương tiện đi rất hàng lối mà có bác tài lách lên bật đèn cảnh báo nguy hiểm chạy đến vèo qua ngã tư.

Liên quan đến việc người lái xe ôtô dùng đèn cảnh báo nguy hiểm khi đi qua nơi đường bộ giao nhau có sai, có thiếu ý thức hay không, ta nên xem xét tới 3 vấn đề: (1) Luật giao thông qui định thế nào. (2) Thói quen của tài xế. (3) Tình huống giao thông thực tế.

1. Về luật pháp: 

Trong giao thông đường bộ, luật giao thông đường bộ là cao nhất, không đề cập tới việc Phải hoặc Cấm bật khi đi qua nơi đường bộ giao nhau. Nói như thế mới chính xác và công bằng. Thực tế rất phong phú và biến thiên, không gói gọn trong "sổ tay hướng dẫn lái xe" và "một qui trình tính điểm trong bài thi sát hạch" vốn dĩ rất cơ bản nhưng không thể nói là đầy đủ trong các trường hợp.


2. Thói quen của tài xế: 

Những bác tài nào có thói quen cứ đi qua nơi giao nhau là bật đèn cảnh báo nguy hiểm (các bác thường gọi là đèn khẩn cấp) mọi người phải nhường, phải ưu tiên cho bác, thì đó là nhận thức sai, ích kỷ, rất đáng phê bình. Nặng nề hơn, có thể liệt vào người thiếu văn hóa hay thiếu ý thức.

Những tuyến đường được tổ chức giao thông tốt, có biển báo hiệu đường bộ đầy đủ, có đèn tín hiệu, sơn kẻ vạch đường rõ ràng, hợp lý, có lực lượng điều khiển giao thông, bác tài nào bật thì chắc chắn là xe có sự cố, nếu không sẽ thấy lạc lõng và nhận được ánh nhìn không mấy thiện cảm từ người tham gia giao thông khác.

3. Tình huống giao thông thực tế: 

Phải bật "đèn cảnh báo nguy hiểm" những trường hợp có sự cố về xe; thời tiết xấu; bề mặt đường sá rất tồi... làm cho việc di chuyển trở nên nguy hiểm, cần phải gây sự chú ý mạnh với những người tham gia giao thông khác biết được để chủ động tình huống. 

Ngoài ra những nơi giao nhau, nơi các vòng xuyến lớn, mật độ phương tiện dày đặc, tại đó có sự hỗn loạn về giao thông, các phương tiện không thể đi thẳng theo ý muốn mà phải đi theo đường vòng cung mềm mại, ngoằn nghèo, zic zắc vì phải lách, phải tránh, phải dừng, phải đè, phải tìm cách thoát ra mà các bác tài già hay gọi là "đi thẳng trong vô hướng". Nơi đó là ong vỡ tổ, giao thông vỡ trận. Những xe cao to cồng kềnh nên sử dụng đèn này để những phương tiện nhỏ hơn dễ quan sát và nhường khoảng "không gian an toàn" cho xe to khi vào nơi trộn làn, trộn phương tiện. Những xe nhỏ chiếm dụng diện tích đường ít, ít điểm mù, vì vậy không nhất thiết dùng đèn này. Xe to thì ngược lại, cồng kềnh, vận hành khó hơn, diện tích chiếm dụng lớn, điểm mù nhiều hơn nên cần có khoảng không an toàn.

Những con đường ven đê ở ngoài khu dân cư được chạy tốc độ cao giao nhau với đường nhánh từ dưới đê xiên lên, nơi đó chưa lắp gương cầu, gờ giảm tốc, hoặc các công cụ cảnh báo hiệu quả cho người tham gia giao thông. Con đường ven đê khi màn đêm buông xuống, gặp tình huống giao thông xấu hãy đi chậm, dùng mọi "công cụ" để "giao tiếp" với những hung thần xa lộ chạy phía sau chỉ nhoi nhoi muốn vượt, "vượt trùng xe" và cả hung thần chạy theo hướng ngược lại với thái độ quyết không nhường thì đèn cảnh báo nguy hiểm là một trong những công cụ giúp cái đầu nóng trở nên ý thức hơn.


Những nơi giao nhau không đồng mức, đường phụ giao với đường chính, nơi đó chưa có đèn tín hiệu hoặc đèn không hoạt động, các phương tiện trên đường ưu tiên tham gia đông, xe trọng tải lớn, tốc độ cao... Những học sinh đi xe đạp điện thành từng tốp, đeo tai nghe, đùa nghịch, lạng lách, có xe thỉnh thoảng hai đứa quay lại "rau thơm" nhau và có những hành động kỳ quặc... Đèn cảnh báo nguy hiểm trong trường hợp này ít nhiều cũng có tác dụng với các cháu và nhắc nhở các xe phía sau giữ khoảng cách, tập trung chú ý hơn.

Xe lùi trong đường nội bộ nhỏ hẹp, khu chung cư, khu vui chơi có nhiều cháu nhỏ, phải quan sát, lùi thật chậm, hạ thấp kính và bật đèn cảnh báo nguy hiểm. 

Đặc biệt là ban đêm, thời tiết không thuận, những xe tải lớn, xe sơ-mi rơ-mooc, xe khách to, xe siêu trường..., khi đi qua những nơi tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao phải giảm tốc độ, nên bật đèn cảnh báo nguy hiểm. Thậm chí những xe này nếu chạy chuyên tuyến qua những nơi như vậy phải trang bị đèn nhận diện ánh sáng vàng, công suất rất nhỏ đủ để nhận biết, gắn ở dọc thân xe kèm với băng phản quang dán tại một số vị trí ở thân, đuôi xe, đầu xe.

Trong những trường hợp đó việc bật đèn cảnh báo nguy hiểm để đi thẳng coi như trường hợp cá biệt phải dùng, chấp nhận được.

Những xe vận tải, xe đặc chủng trong công trình xây dựng, hầm mỏ, cầu đường phải dùng đèn cảnh báo nguy hiểm khi đang hoạt động, ngoài ra còn phải trang bị thêm đèn chiếu sáng gầm phía sau, có lưỡi che chống chói, hỗ trợ khi lùi và chỉ sử dụng khi lùi trong công trình vào ban đêm.

Tóm lại, khi phải "bật" thì đó là trường hợp CÁ BIỆT. "Bật" sẽ tăng khả năng chú ý của người/phương tiện tham gia giao thông khác, nhằm nhắc họ đi chậm tới mức an toàn, hoặc dừng hẳn, phán đoán và đưa ra cách xử lý phù hợp. Nó cũng giống như một văn bản, khi cần nhấn mạnh, muốn người đọc chú ý, người ta ghi chữ đậm, hoặc chữ nghiêng, hoặc chữ to, hoặc gạch chân, hoặc bôi màu; có khi là áp dụng gần như tất cả các công cụ hỗ trợ đó.

Chứ suy nghĩ đơn giản, quẹo bên nào xi-nhan bên đó, không xi-nhan là đi thẳng tắp tới thiên đường. Ừ, thì chân lý ấy quá đúng, nhưng chưa chắc phù hợp với một số tình huống thực tế. Đời không đơn giản như mình nghĩ.


Có bác cực đoan tới mức cái "nút tam giác" chỉ được ấn vào khi xe đang chạy thì bất ngờ hỏng xe, nổ lốp... Và các bác hồn nhiên đặt tên cho nó là đèn báo hỏng; đèn sự cố. Cái tên đó không bao quát, không đúng với ý nghĩa nhân văn của đèn này. Gọi là "đèn cảnh báo nguy hiểm" là hợp lý nhất.

Tuy nhiên, chúng ta đồng tình rằng, tại nơi giao nhau, thanh thiên bạch nhật, tầm nhìn xa trên 10 km, các phương tiện đi rất hàng lối mà bác tài nào lỏi lên bật đèn cảnh báo nguy hiểm chạy đến vèo qua ngã tư, song nghĩ mình khôn quá cơ thì các bác hơi bị nhầm. Người đời sẽ chỉ đích thị các bác có vấn đề: "trời không mưa, sao mặc áo mưa?".

Cuối cùng tôi muốn nói văn hóa bật đèn cảnh báo nguy hiểm khi qua nơi đường giao nhau tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn cao không phải là "sáng tạo của riêng của người Việt" đó là khẳng định! Thế giới vẫn dùng, dùng tương đối văn minh.

Dùng đèn "cảnh báo nguy hiểm" phụ thuộc nhiều vào nhận thức của từng lái xe, từng tình huống giao thông cụ thể, đòi hỏi các bác tài rất tinh tế. Nếu lạm dụng sẽ có tác dụng ngược, làm người tham gia giao thông "lờn" với ánh đèn, dẫn tới suy nghĩ tiêu cực về người sử dụng nó, coi là lố bịch, thiếu văn hóa. Thực tế mọi người đã, đang và sẽ nghĩ như vậy.

Vậy nên chúng ta hãy sử dụng nó một cách văn minh.