Dùng đèn khẩn cấp thế nào là đúng


Đèn khẩn cấp trên ô tô thường được sử dụng trong trường hợp xe gặp sự cố, di chuyển trong tình trạng nguy hiểm hoặc thời tiết xấu. 

Rất nhiều thông tin cũng như bàn luận về việc sử dụng đèn khẩn cấp xe ô tô khi dừng đỗ hay tham gia giao thông sao cho đúng cách. Nhiều người có ý kiến lên án việc nhiều lái xe lạm dụng đèn khẩn cấp khi đi qua ngã 4 gây hiểu nhầm và khó phán đoán cho các xe phía sau. Vậy đèn khẩn cấp trên xe ô tô nên được dùng trong những trường hợp nào?


Đầu tiên, tên của chức năng này đã nói lên công dụng của đèn khẩn cấp là chỉ sử dụng khi xe gặp sự cố đang di chuyển hay phải đỗ trên đường, tài xế cần bật đèn khẩn cấp để xe khác chú ý, chủ động tránh xe để không xảy ra va chạm.

Một tác dụng khi bật đèn cảnh báo nguy hiểm là có thể thu hút sự chú ý và giúp đỡ của những lái xe hay người đi đường khác. Khi xe đang di chuyển mà gặp trục trặc, việc bật đèn nguy hiểm có thể giúp các lái xe khác chủ động tránh né xe gặp sự cố, giúp việc tấp vào lề của xe gặp sự cố được an toàn.

Ngoài ra đèn cảnh báo nguy hiểm có thể được bật khi di chuyển trong thời tiết xấu như: mưa lớn hay sương mù dày đặc. Trong những điều kiện nêu trên sẽ làm tầm nhìn của lái xe bị hạn chế đáng kể. Việc này sẽ cảnh báo các lái xe khác di chuyển chậm lại hoặc cân nhắc kỹ càng hơn khi có ý định vượt qua xe bạn.

Một trường hợp khác cũng được khá nhiều người đồng tình khi sử dụng đèn nguy hiểm là việc lái xe di chuyển chậm qua khu vực có xảy ra tai nạn hoặc trở người đi cấp cứu. Với những thông tin nêu trên, lái xe nên cân nhắc để sử dụng đúng những tính năng của đèn cảnh báo nguy hiểm.

Thực tế, ngay ở những nước phát triển, sử dụng ô tô lâu đời như Mỹ, Nhật hay các nước châu Âu, vẫn có những cách dùng đèn khẩn cấp "không chính thống". Ví như ở Nhật, tài xế sẽ dùng đèn khẩn cấp để cảm ơn vì tài khác vừa cho nhập làn.

Tiêu cực hơn, ở những nơi khác trên thế giới, tài xế dùng đèn khẩn cấp để vượt qua ngã tư như ở Việt Nam, hoặc dùng để vượt xe khác hay tài xế xe bus ấn để ra oai, báo với xe khác rằng "tôi đang tăng tốc đấy, có giỏi thì bám theo đi".


Hầu hết các nước đều không có luật chính thông quy định, hoặc ở Mỹ thì có tiểu bang quy định, có tiểu bang không, phần lớn cách sử dụng đều do thói quen, tập quán của người bản xứ.

Tuy nhiên theo tôi, ở Việt Nam chúng ta chưa hình thành một tập quán bất thành văn nào trong cách sử dụng đèn khẩn cấp, vì thế nên hiểu rõ khái niệm của loại đèn này để sử dụng đúng cách.

Đúng như ý nghĩa của nó, nút nhấn đèn khẩn cấp luôn được bố trí ở nơi dễ quan sát, kích thước lớn trên bảng tap-lô, để tài xế không khó khăn trong việc sử dụng. Do đó, loại đèn này chỉ nên sử dụng trong những trường hợp sau, đây cũng là khuyến cáo của nhà sản xuất

- Thứ nhất: Xe gặp sự cố phải đỗ trên đường

Trên đường cao tốc, quốc lộ nếu xe gặp sự cố bất ngờ, không thể di chuyển đến nơi dừng đỗ theo quy định, bắt buộc phải đỗ lại bên đường, tài xế cần bật đèn khẩn cấp để xe khác chú ý, chủ động tránh xe mình để không xảy ra va chạm. Bên cạnh đó, có thể tài xế khác để ý giúp đỡ (tất nhiên tình huống này rất hiếm trên thực tế).


Tất nhiên trong những tình huống đỗ khác không phải do lỗi của xe cũng cần bật đèn nhưng là đèn xi-nhan phải.

- Thứ hai: Xe di chuyển trong tình trạng nguy hiểm

Nếu tình huống chưa thể táp vào lề dừng đỗ, tài xế nên bật đèn cảnh báo khẩn cấp để thông báo cho xe sau biết rằng "xe tôi đang trục trặc" để biết cách xử lý.

- Thứ ba: Thời tiết quá tồi tệ

Sở dĩ tôi dùng chữ "quá tồi tệ" bởi lẽ nếu trong hoàn cảnh trời mưa, sương mù bình thường thì chỉ cần bật đèn sương mù hoặc đèn chiếu gần là đủ. Khi đó tránh bật đèn khẩn cấp vì xe sau sẽ không thể nhận ra khi nào xe đi trước rẽ, chuyển làn. Đồng thời đèn khẩn cấp cũng có thể làm nhòe đèn phanh.

Nhưng khi thời tiết quá xấu, sương mù dày, tầm nhìn xuống chỉ còn vài mét, mưa quá lớn đến mức cần gạt nước kính lái trở nên vô nghĩa, lúc này nên bật đèn khẩn cấp để thu hút sự chú ý của xe phía sau, nhắc nhở giữ khoảng cách an toàn. Tuy vậy, phương án tốt nhất trong trường hợp mưa lớn là dừng lại ven đường, bật đèn khẩn cấp, chờ cho tới khi mưa ngớt.